HOÀN HẢO


           Seiji Yamamoto, đầu bếp đạt danh hiệu 3 sao Michelin, là một trong những đầu bếp tiêu biểu nhất của nghệ thuật ẩm thực Kaiseki và là một nhà tiên phong trong lĩnh vực ẩm thực phân tử (molecular gastronomy). Có thể nói về tính cách và phong cách làm bếp của Seiji mang đậm chất của người Nhật Bản điển hình – tìm kiếm sự hoàn hảo đến mức cực đoan. Những món ăn do Seiji làm ra khó có thể tìm được ở bất cứ nơi nào khác vì sự tinh tế và hương vị đạt đến mức thượng thừa, tuy vậy chỉ có 2 khuyết điểm duy nhất là chúng quá đắt đỏ và quá mất thời gian để thực hiện. Sự hoàn hảo, đôi khi cũng chỉ mang tính chất tương đối.
      Nếu Hoa Kỳ với đặc sản của mình là hạt giống dân chủ phi tự do (seeds of illiberal democracy), thì Pháp chính là quê hương của chủ nghĩa lập hiến (constitutionalism) và nơi khai sinh ra Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789. Ngày ‪21/03/1804‬, Napoléon Bonaparte ban hành Bộ Luật dân sự Pháp, một thành tựu lập pháp đương đại được xem như bản Hiến pháp dân sự. Bộ luật gồm 2283 điều này được mô tả là hoàn hảo trong ngôn ngữ pháp lý, cũng như những tư tưởng lập pháp hiện đại khi thừa nhận sự bình đẳng của các cá nhân trước pháp luật. Bên cạnh đó, tính ưu việt của bộ luật này thể hiện ở chỗ tuy đã được sửa đổi bổ sung rất nhiều lần nhưng nhà làm luật không được phép thay đổi cấu trúc cũng như số thứ tự các điều khoản đã có trong bộ luật. Pháp, với nền Cộng Hòa của họ, trong một khoảng thời gian dài được xem như hình mẫu lý tưởng về việc thiết kế một nhà nước pháp quyền, đặt nền móng cho việc tìm kiếm và xây dựng một chế độ chính trị hoàn hảo.
        Ngày 17/11/2018, biểu tình tại Pháp chính thức diễn ra để phản đối việc Chính phủ Pháp tăng giá nhiên liệu, một động thái nhằm nỗ lực cắt giảm lượng khí thải của đương kim Tổng thống Emmanuel Macron. Giá nhiên liệu của Pháp nếu quy đổi ra tiền đồng thì sẽ ở mức trung bình hơn 40.000 VNĐ/lít xăng Super 95, mức giá này tương đương với Đức, Thụy Sĩ và Đan Mạch, nhưng đắt gấp đôi so với giá xăng Việt Nam. Những người biểu tình ở Pháp chọn cho mình tên gọi là “Gilets jaunes” (Yellow vest – áo khoác vàng), một chiếc áo mang tính biểu tượng của giới tài xế, tuy nhiên nó chứa một ý nghĩa sâu xa hơn khi người biểu tình muốn Tổng thống Macron quan tâm, chú ý đến quyền lợi của họ. Cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo loạn với sự tham gia của hàng chục nghìn người, đã dẫn đến một số người chết, và khiến rất nhiều người bị thương.
Nền Cộng Hòa Pháp đã rung chuyển mạnh mẽ. “Gilets jaunes” bản chất không phải là một cuộc biểu tình của giai cấp mà là một cuộc biểu tình của những người có chung lợi ích bị xâm phạm và có thái độ tiêu cực đối với Emmanuel Macron. Tuy giá nhiên liệu tăng có thể là một giọt nước hoàn hảo cho sự dâng trào làn sóng phản đối chính sách của nội các Pháp, một nội các được cho là ‘trung lập’, tuy vậy nó chỉ ra được những khuyết điểm chết người của một hệ thống chính trị được từng được mô tả ‘tiệm cận với hoàn hảo’.
      “Số người khốn khổ ở các tầng lớp thấp kém luôn luôn nhiều hơn những người có nhân tính trong tầng lớp cao.” – trích “Những người cùng khổ” (Les Misérables), Victor Hugo.
        Nhìn lại những gì đang xảy ra tại Pháp, nếu cuộc biểu tình bắt đầu từ ngày 17/11/2018 mang tính chất tự phát, khởi đầu chỉ với một nhóm người trên Facebook thì đến ngày 24/11/2018, chỉ một tuần sau đó, cuộc biểu tình với sự tham gia của đảng Nước Pháp bất khuất (France Insoumise) của ông Jean Luc Mélenchon hay đảng Tập hợp quốc gia (Rassemblement National) của bà Marine Le Pen – 2 đối thủ chính trị của ông Emmanuel Macron đã biến biểu tình thành một cuộc bạo loạn thực sự. Đa nguyên, có những tác hại như thế, khi người dân vô tình trở thành công cụ thao túng cho giới chính trị nhằm hạ bệ đối thủ của mình. Người Pháp, vốn rất lãng mạn, yêu nghệ thuật và ẩm thực trang nhã (fine cuisine); khi đại lộ Champs Élysées tràn ngập mùi cháy khét và cả vị tanh của máu thay vì hương vị của cà phê cappuchino và bánh croissant đặc trưng, họ dường như nhận ra được mình đang đấu tranh không còn vì lợi ích của chính mình nữa.
        Kinh tế Pháp là nền kinh tế vẫn đang phát triển, nhưng sự phát triển rất chậm; chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn khiến cho các khu vực ngoại vi và vùng nông thôn thiếu hụt hoặc chính phủ không thể tiếp tục duy trì các tiện ích công cộng, khiến cho người dân phải lái xe rất xa mới tiếp cận những tiện ích này. Cộng thêm giá nhiên liệu tăng từ chính sách cắt giảm khí thải của chính phủ, chính là nguyên nhân đầu tiên của cuộc biểu tình, nhưng cuộc biểu tình ngày càng đi xa hơn trở thành một công cụ chống lại Emmanuel Macron, một người không có nền tảng chính trị vững chắc. Trong những bài phát biểu vận động tranh cử năm 2017, Emmanuel Macron từng kịch liệt chỉ trích dân túy của giới chính trị Pháp nhưng chính những chính sách của gần đây của vị Tổng thống này lại bị được đánh giá là có lợi cho người giàu, những người ủng hộ ông nhiều nhất. “Gilets jaunes” có lẽ chỉ là một phiên bản mang màu sắc hiện đại hơn của phong trào Poujadism những năm 1950. 
        Trong nghệ thuật, người ta đưa ra một khái niệm là tỷ lệ vàng (golden ratio) để đo lường sự hoàn hảo. Con người, trong suốt lịch sử phát triển của mình luôn khát khao hướng đến sự hoàn hảo. Sự hoàn hảo, vốn dĩ có tồn tại nhưng mang tính chất thời điểm; một bông hoa, một cô hoa hậu, thậm chí một triều đại chuẩn mực cũng chỉ duy trì được sự hoàn hảo của mình trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó được thay thế bằng những hình thái khác hoặc kém hoặc ưu việt hơn. Đó chính là xu hướng tất yếu của sự phát triển.


       Một chế độ chính trị hoàn hảo không có nghĩa là một chế độ chính trị không có kẻ giàu, người nghèo, không có đói kém, bệnh tật mà là một chế độ chính trị cân bằng được tất cả những việc đó; đưa những điều xấu về một tỉ lệ thấp nhất có thể và đẩy những giá trị tốt đẹp lên một mức cao nhất trong khả năng. Để có một chế độ như thế, Nhân dân là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi dân trí quyết định việc ứng xử trong xã hội và hệ thống chính trị. Khi người dân vẫn còn nghĩ việc ngập nặng sau mưa bão là do sự yếu kém của hệ thống thoát nước chứ không phải do thói quen xả rác gây nghẹt cống; hay rằng thành phố phát triển hướng Nam & Đông Nam là sai lầm trong khi London, Boston và Thượng Hải – những nơi có cấu tạo địa chất tương đồng với Tp.HCM, vẫn phát triển đều về các hướng; thì chúng ta còn rất lâu nữa mới tiệm cận được một mô hình chính trị hoàn hảo.
      “We are what we repeatedly do. Excellence, therefore, is not an act but a habit.” – Aristole
(Chúng ta là những gì chúng ta thường xuyên làm. Sự hoàn hảo, vì vậy, là thói quen chứ không phải hành động.)

                                                                                                                                           #Steven T.
            P/S: Thực ra, đâu đó vẫn còn những người đàn ông không cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách; họ duy trì thói quen lành mạnh đi ngủ đúng giờ, thức dậy rất sớm và tham gia lao động sản xuất. Họ, những người không biết đến tệ nạn, từng ngày vẫn kiên trì cuộc sống lành mạnh như vậy vì phần nhiều trong số họ là đối tượng của Luật đặc xá.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LÊ MINH ĐẢO - XUÂN LỘC VÀ SỰ THẬT

PHÂN BIỆT VÙNG MIỀN, DÂN TỘC – BIỂU HIỆN CỦA CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN, CỤC BỘ; NGUY CƠ GÂY MẤT ĐOÀN KẾT DÂN TỘC, HIỂM HỌA ĐỐI VỚI NỀN AN NINH QUỐC GIA.

Những sự thật về Bắc Triều Tiên và chế độ “độc tài” của gia đình họ Kim.

VÀI NÉT VỀ VIÊN TƯỚNG NGỤY 3 SAO NGUYỄN HỮU CÓ

SĨ QUAN CAO CẤP NHẤT CỦA SÀI GÒN BỊ BẮT SỐNG TẠI MẶT TRẬN

ĐẠI TÁ TÌNH BÁO CÓ MỘT KHÔNG HAI

"Sự lừa dối hào nhoáng: John Paul Vann và nước Mỹ ở Việt Nam"

NGÔ QUANG TRƯỞNG VÀ NHỮNG TRÒ LỐ

Đừng mộng đòi đi nước ngoài định cư nữa, Việt kiều Mỹ đang muốn về Việt Nam vì 4 lý do

Diễm xưa