"Sự lừa dối hào nhoáng: John Paul Vann và nước Mỹ ở Việt Nam"
"Sự lừa dối hào nhoáng: John Paul Vann và nước Mỹ ở Việt Nam" (A Bright Shining Lie: John Paul Vann and America in Vietnam) một cuốn sách nổi tiếng của nhà báo Neil Sheehan. Ngay khi được xuất bản tại Mỹ năm 1988 nó đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ vào năm đó. Và một năm sau đó đã giúp tác giả Neil Sheehan đoạt giải Pulitzer danh giá của Mỹ. Cuốn sách quá thành công đến độ 10 năm sau (năm 1998) HBO đã chuyển thể thành phim với cùng tựa đề (hiện có thể tìm thấy trên Youtube)
Hai năm sau kể từ ngày xuất bản ở Mỹ, cuốn sách trên lần đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam với 3000 bộ gồm hơn 1000 trang sách chia thành 2 tập. Và tình cờ nhiều năm trước tôi đã sở hữu được một trong những bộ sách đầu tiên ấy, chúng được cất cẩn thận vào ngăn tủ nhiều năm trước khi tôi lấy ra đọc. Vì vậy nó gây ra sự nuối tiếc cho tôi. "Tại sao không đọc sớm hơn?!"
Tác giả Neil Sheehan là một nhà báo trẻ khi có mặt ở Miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Ông là một đồng nghiệp, "đối thủ cạnh tranh" và là một người bạn của Thiếu tướng tình báo chiến lược Quân đội nhân dân Việt Nam - Phạm Xuân Ẩn. Nhưng có lẽ rất lâu sau năm 1975 Neil Sheehan mới biết thân phận thực sự của người bạn mình. Neil Sheehan cũng như rất nhiều người Mỹ vào thời điểm mà Mỹ bắt đầu can dự vào "cuộc chiến tranh Việt Nam" đều muốn họ chiến thắng trong cuộc chiến này. Tuy nhiên những sự thật mà ông ta biết được, những trải nghiệm thực về cuộc chiến đã làm nhà báo trẻ ấy không còn nghĩ như vậy. Sự lừa dối của Chính quyền Mỹ được phơi bầy trên từng trang giấy mà Neil Sheehan viết ra hơn chục năm sau khi cuộc chiến đã kết thúc.
Cuốn sách được viết về cuộc đời của "viên tướng dân sự" John Paul Vann - một viên Trung tá đã giải ngũ của Quân đội Hoa Kỳ tử trận khi đang đảm nhiệm chức vụ của một viên tướng 2 sao hoặc 3 sao của Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam. Bằng năng lực, sự ranh mãnh và cả giả dối của mình cuối cùng John Paul Vann cũng gắn được những ngôi sao trên ve áo của mình - trong hệ thống quân giai Hoa Kỳ đó là tượng trưng cho những vì tinh tú trên bầu trời, bên trên những lá cây (cấp Thiếu tá, Trung tá) và cả những con đại bàng (cấp Đại tá). Tuy được gắn sao, đảm nhiệm chức vụ của một viên tướng nhưng John vẫn không được gọi là một tướng lĩnh trong Quân đội Hoa Kỳ (một việc chưa từng có tiền lệ trong hệ thống quân giai Hoa Kỳ). John là một người có năng lực, biết vận dụng cơ hội để thành công và thực sự đã quá thành công với xuất phát điểm là con của một gia đình tan vỡ dưới đáy của Xã hội Mỹ vào những năm sau Đệ nhất Thế chế.
Như đã nói ở trên, cuốn sách viết về cuộc đời của John Paul Vann. Nhưng cuộc đời đó được Neil Sheehan viết bắt từ đám tang tổ chức trong thể theo lễ nghi quân cách của John rồi đến thời thơ ấu cố gắng vươn lên của John trở thành một sĩ quan gương mẫu, có năng chỉ huy trong Quân đội Mỹ. Và tất nhiên cuộc đời đó không ít những điều xảo trá, lừa dối của John với gia đình, với thượng cấp, với tình nhân... và với chính mình. Phần cuối cuộc đời John Paul Vann gắn liền với sự can dự của người Mỹ ở Việt Nam cái mà người Mỹ gọi là "Cuộc chiến tranh Việt Nam" (The Vietnam war) còn đối với chúng tôi đó là "Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước". Cuốn sách viết về cuộc đời John nhưng cũng chính là viết về sự xâm lược của Mỹ tại Việt Nam để tạo dựng lên một hình thái thuộc địa kiểu mới. Và cũng như cuộc đời John Paul Vann cuộc chiến hao người, tốn của nhất của lịch sử nước Mỹ cũng đầy rẫy sự lừa dối. Sự lừa dối của nhà cầm quyền Mỹ với dân chúng vì sao họ can dự vào Việt Nam. Sự lừa dối giữa cấp dưới với cấp trên về tình hình chiến trường ở Nam Việt Nam. Sự lừa dối giữa những người có trách nhiệm về cuộc chiến ở Sài Gòn với Hoa Thịnh Đốn, giữa Ngũ giác đài và Tòa bạch ốc... Một vòng xoáy những điều dối trá đã đẩy nước Mỹ sa lầy vào cuộc chiến mà đáng ra họ không nên gây ra làm hao tổn hàng triệu sinh mạng người vô tội với hơn 10.000 ngày can dự của nước Mỹ vào một mảnh đất đáng được hưởng nền độc lập, thống nhất - cách họ cả nửa vòng tinh cầu.
Như nói ở trên, những lý do mà giới cầm quyền Hoa Kỳ đưa ra để xâm lược Việt Nam như "học thuyết Domino", "đắp con đê ngăn làn sóng đỏ" hay "tiền đồn chống cộng ở Đông Nam Á"... chỉ là sự lừa dối hào nhoáng khởi nguyên cho những sự lừa dối tiếp theo xoáy tròn vào nhau trong cuộc viễn chinh của Đế quốc Mỹ vào bán đảo Đông Dương. Họ lừa dối nhau vì lợi ích của giới cầm quyền Mỹ, về niềm kiêu hãnh Mỹ và vì Mỹ chưa thua một cuộc chiến nào đến độ họ không chấp nhận rằng họ đang thua và sẽ thua đậm ở một đất nước nhược tiểu vào thời đó như Việt Nam. Và John là một ví dụ cho điển hình "niềm kiêu hãnh Mỹ" như thế. Họ tin tưởng vào sức mạnh bá chủ toàn cầu của Đế quốc Mỹ với hơn 200 năm lập quốc nhưng họ lại quên mất cái dân tộc nhỏ bé mà họ đang muốn đè bẹp, chà nát dưới gót giày xâm lược của mình đã có lịch sử hàng ngàn năm đánh trận để giành quyền dân tộc tự quyết. Những người Cộng sản Việt Nam cũng như cha ông, tổ tiên của họ đã chiến đấu anh dũng với ý chí kiên cường mà không loại súng đạn, chiến xa, phi pháo, hỏa tiễn hay bất cứ loại vũ khí nào của Mỹ có thể khuất phục được với chỉ với mục đích cuối cùng thống nhất giang sơn xứ sở mà tổ tiên họ để lại và không chịu sự điều khiển của một tên ngoại bang nào.
Cuối cùng thì John Paul Vann cũng bỏ mạng tại đèo Chư Pao (nay thuộc huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cũng như không lâu sau đó "niềm kiêu hãnh Mỹ" cũng sụp đổ, vụn vỡ tại Việt Nam. Lính viễn chinh Mỹ cuốn cờ về nước với hơn 58.000 cái xác, hàng triệu cựu binh chịu thương tật hoặc sang chấn tâm lý suốt đời và sự chia rẽ trong Xã hội Mỹ nhiều thập niên sau đó. Xét cho cùng, ở một khía cạnh nào đó những người lính Mỹ như John Paul Vann cũng là nạn nhân của cuộc chiến. Họ bị đẩy ra chiến trường để giết chóc hoặc bị giết chẳng vì lý do gì chính đáng mà vì sự lừa dối hào nhoáng phục vụ cho lợi ích của đám đại tư sản, tài phiệt cầm quyền ở Mỹ - một nhóm người chưa đầy 1% dân số nhưng sở hữu hơn 80% tài sản của nước Mỹ. Họ không có được vinh dự như cha ông họ khi tham gia đổ bộ lên bờ biển Normandie thời Đệ nhị thế chiến vì dù sao đó cũng là một cuộc chiến chính nghĩa chống lại Chủ nghĩa fascist mà họ lại mang nỗi nhục nhã của một đạo quân thất trận tham gia vào một cuộc chiến phi nghĩa với những sự lừa dối của giới cầm quyền.
Hơn 1000 trang sách không thể nào miêu tả hết về một cuộc chiến hơn 10.000 ngày nhưng phần nào đã miêu tả sống động về cuộc chiến đó với những "sự lừa dối hào nhoáng". Bộ sách là một trong những bộ sách hay nhất tôi đã từng đọc với lối hay văn hay và lôi cuốn của một nhà báo Mỹ lão luyện. Bản dịch thuật năm 1990 của NXB thành phố Hồ Chí Minh này hay hơn bản dịch sau đó năm 2003 của NXB Công an nhân dân và một điều đặc biệt ấn bản năm 1990 với bìa (Việt Hóa) như bìa nguyên bản được xuất bản tại Mỹ năm 1988. Một sự tiếc nuối nữa, khi mua bộ sách này người bán có bán kèm cuốn nguyên bản bằng tiếng Anh xuất bản tại Mỹ nhưng vì kinh phí có hạn nên tôi đã từ chối mua mặc dù điều đó không ảnh hưởng gì đến giá trị của bộ sách.
- Quốc Đạt Thủ Đức -
Trọng Đông, Canh Tý 2020
Nhận xét
Đăng nhận xét